Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn và cách trả lời hay nhất
Phỏng vấn tìm việc là tình huống sợ hãi của nhiều bạn trẻ. Bởi các bạn không lường trước mình sẽ được hỏi những gì, phải trả lời như thế nào để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Đó là do bạn chưa chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, nếu xem qua bài viết này bạn sẽ biết trước những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn và cách trả lời hay nhất, đảm bảo sẽ đập tan những lo lắng của bạn ngay từ hôm nay.
Sơ lược về bản thân
- Bạn hãy giới thiệu về bản thân
Đây là yêu cầu mà hầu hết buổi phỏng vấn nào cũng có. Bởi các nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về bạn trực tiếp qua lời nói. Như thế câu chuyện tiếp diễn sau đó sẽ dễ dàng, thoải mái và thân thiện hơn.
Bạn có thể trả lời những thông tin như: tên, trường học, chuyên ngành, chỗ ở của bạn. Bên cạnh đó, trình bày ngắn gọn đôi chút về ngành học, kinh nghiệm đã có gắn liền với công việc ở công ty. Tránh nói dài dòng, khoa trương quá mức.
- Bạn có những ưu điểm nào?
Đây là câu hỏi thể hiện những điểm mạnh, khả năng chuyên môn cho biết bạn có đáp ứng được vị trí tuyển dụng hay không. Vì những ưu điểm này có thể trực tiếp liên quan đến hiệu suất công việc.
Tùy vào lĩnh vực ứng tuyển mà bạn đưa ra câu trả lời. Đối với những công việc đòi hỏi giao tiếp thì bạn có thể trả lời mình có lợi thế như: tính cách vui vẻ, khả năng thuyết trình, hoạt bát… Tránh nêu ra những ưu điểm bình thường và không liên quan gì đến công việc. Như thế bạn rất khó tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
- Nhược điểm của bạn là gì?
Các nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu sâu, để đoán biết tính cách và sự chân thật của bạn. Đây cũng là câu mà họ ưa hỏi, bạn nên chuẩn bị tinh thần và đưa ra câu trả lời hợp lý.
Chúng ta có thể nêu một vài điểm yếu về kĩ năng và những kĩ năng này không nên liên quan đến công việc quá nhiều. Ví dụ như: bạn làm nghề sale thường xuyên tiếp xúc với khách hàng thì bạn không thể trả lời rằng bạn ngại giao tiếp, nói không hay…
Phần trọng tâm
- Bạn có dự định và mục tiêu như thế nào?
Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng hi vọng tìm được những ứng viên có kế hoạch làm việc rõ ràng, định ra những mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, xác định phương hướng làm việc hiệu quả. Ngoài ra, họ còn muốn biết bạn sẽ gắn bó công việc bao lâu. Thế nên mọi người hãy cho các nhà tuyển dụng một niềm tin về công việc, sẽ phục vụ hết mình cho công ty, cố gắng học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kĩ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.
- Bạn biết gì về công ty và vị trí ứng tuyển?
Có khá nhiều bạn tỏ ra lúng túng khi nhà tuyển dụng hỏi câu này. Vì mọi người thường quên tìm hiểu kỹ về công ty và công việc cụ thể sẽ làm. Đây quả thật là sai sót cực kỳ lớn và các nhà tuyển dụng thường không đánh giá cao những ứng viên này.
Thế nên trách nhiệm của bạn là phải tìm hiểu thông tin về công ty như: tên đầy đủ, ngành nghề hoạt động, thế mạnh, mặt hàng sản xuất, vị trí công ty trong ngành… bên cạnh đó, là vị trí mà bạn ứng tuyển làm công việc gì. Thông thường tin tuyển dụng sẽ mô tả phần công việc cụ thể, bạn hãy xem qua thật kỹ càng và có thể tìm hiểu thông tin thêm.
- Các câu hỏi về tình huống giả định cần bạn giải quyết
Ở một số buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ nêu một vài tình huống cần các bạn đưa ra cách giải quyết. Trong tình huống đó, hãy bình tĩnh suy nghĩ thật cặn kẽ và đưa ra câu trả lời thỏa đáng nhất. Tránh ấp úng và hoang mang vì nhà tuyển dụng muốn kiểm tra độ nhạy bén và kỹ năng của bạn có đáp ứng một số tiêu chí công việc hay không.
Phần kết
- Bạn mong muốn mức lương như thế nào?
Đây là câu hỏi nhạy cảm, bạn tránh đề cập những vấn đề này trước. Nếu được hỏi, bạn có thể đưa ra mặt bằng mức lương chung của ngành hiện nay. Hứa hẹn sẽ cố gắng phấn đấu làm việc hiệu quả để tăng lương.
- Bạn có thắc mắc gì và câu hỏi nào muốn hỏi?
Đây là lúc bạn nên thể hiện sự quan tâm đến công việc bằng cách đưa ra một vài câu hỏi đã chuẩn bị trước đó. Chẳng hạn như: Em sẽ làm việc ở phòng ban nào, với ai? Công ty mình sắp tới có dự án gì không? Em sẽ gặp phải những áp lực nào của công việc?…
Phỏng vấn xin việc là một nghệ thuật bao gồm cả lời nói, ứng xử và phong cách mà các bạn nên học hỏi để chuẩn bị tinh thần thoải mái khi trình bày. Cùng với đó là tìm hiểu thật kỹ những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn để không bị ngỡ ngàng rơi vào thế bị động.